Con đường võ đạo – Phần 3: Cành liễu trước cuồng phong

888 nc33 Con đường võ đạo   Phần 3: Cành liễu trước cuồng phong Lần giở lại kỷ vật, võ sư Lê Kim Hòa (phó chủ tịch Liên đoàn VN, chủ tịch Hội TP.HCM) cứ ngồi lặng lẽ ngắm ảnh những đệ tử nước ngoài thân thiết của mình, tràn về những kỷ niệm.

Thử tài thầy

Buổi sáng mùa đông rét buốt năm 1989 ở sân bay tại thủ đô Matxcơva (Liên Xô) một người đàn ông VN nhỏ bé chậm rãi bước ra cổng sau chuyến bay dài. Ở đó, 10 thanh niên Nga và các nước Đông Âu to con lực lưỡng đã đứng đợi sẵn. Vừa thấy bóng ông, nhóm thanh niên này vội ùa tới, chắp tay kính chào thầy rồi trao tặng ông những bó hoa tươi rực rỡ.

Đó là lần đầu tiên võ sư Lê Kim Hòa (người gốc Phú Yên) đến xứ sở bạch dương theo lời mời sang dạy võ cổ truyền VN. Cả hai bên đều chưa quen nhau, nhưng các thanh niên mê võ ở nước bạn khi được báo võ sư VN sang đã âm thầm tổ chức buổi đón tiếp để làm ấm lòng thầy, trong đó có những người ở các nước Đông Âu cách xa hàng ngàn kilômet cũng đi xe lửa đến đón thầy. Sau vài khóa biểu diễn, huấn luyện ngắn tại Matxcơva, võ sư Hòa được mời đến dạy ở thành phố Minsk, Belarus. Lớp học gồm 30 thanh niên đến từ các vùng khác nhau, hầu hết họ đều đã trải luyện qua võ thuật, thậm chí một số đã đạt cao đẳng các môn judo, karatedo, taekwondo…

Trước người thầy Việt nhỏ nhắn, các võ sinh to con này luôn tỏ ra kính cẩn nhưng cũng rất thực tế khi vào tập luyện. Mỗi đòn thế võ sư Hòa dạy, họ hay hỏi đi hỏi lại sự hiệu quả thực tế. Là người đã trải luyện qua nhiều môn võ chiến đấu như taekwondo, Tây Sơn Bình Định rồi mới sáng lập môn Thanh Long , võ sư Hòa rất hiểu tâm trạng các võ sinh nước ngoài. Họ có thể trạng cao to, khỏe mạnh lại từng tập các môn võ cương nên có thể nghi ngờ tính hiệu quả của các đòn nhu, mà đặc biệt là từ một người thầy cao chưa tới vai mình. Không dám công khai so đấu vì tôn trọng thầy, nhưng các võ sinh vẫn thường xuyên nhờ ông hóa giải những đòn sở trường, hiểm hóc của mình để thử môn võ và công phu của thầy.

Có hôm, một võ sinh đã “nhẹ nhàng” nhờ ông phá các đòn chân sở trường mà anh ta đã khổ luyện hàng năm trời. Cú đá vòng cầu bằng mu bàn chân vào ngang đầu thầy lúc đầu còn chậm và nhẹ, về sau càng mạnh, nhanh dần, nhưng ông chỉ di chuyển người, dùng tay khống chế được tất cả. Cuối cùng, võ sinh này nói: “Em sẽ tung hết đòn đấy nhé”. Cú đá bay ngang bằng cạnh ngoài bàn chân vừa tung ra, lại liên tiếp đến những cú đá thốc, đá chẻ, đá xoay, đá vòng cầu mãnh liệt như cuồng phong tưởng chừng có thể quật bay người thầy nhỏ bé, song trong thoáng chốc người thầy chỉ cần dùng vai hất nhẹ làm anh ta mất thăng bằng té lăn nhào ra sàn tập.

Võ sư Hòa kêu toàn thể võ sinh mở cửa bước ra sân và nói: “Các em có thấy gì không? Đó chỉ là một cành liễu nhỏ nhắn nhưng không dễ gì bị quật ngã bởi gió bão đêm đông, nó có thể uốn cong trong gió bão rồi sẽ bật ngược trở lại”. Lúc này, một số võ sinh nước ngoài bắt đầu hiểu ý thầy muốn mượn hình ảnh cây liễu để nói về những thế võ nhu mà họ đang luyện tập.

Nếu chỉ biết võ

Một số võ sinh nước ngoài thường hỏi thầy Hòa về võ đạo VN: “Đã là võ, tại sao lại có đạo? Kỹ thuật chiến đấu sao có thể song hành cùng với đạo?”. Nghe học trò hỏi, ông hiểu vài câu trả lời ngắn gọn của mình không dễ dàng nhận được sự thấu đạt sâu sắc, nhất là hai nền văn hóa quá khác biệt nhau.

Ông bèn lặng lẽ gọi một võ sinh lại gần, rồi bảo anh ta tung đòn vào mình. Võ sinh này cúi chào thầy, rồi tung thẳng một đòn đá vào tầm mặt ông. Ông lách người nhập nội để tránh cú đá và tung đòn “song chỉ đoạt nhãn” bằng hai ngón tay cứng như mũi dùi thép đâm thẳng vào mắt võ sinh. Tuy nhiên, đòn hiểm này vừa chớm đến mắt, ông bất ngờ thu lại, dùng cạnh bàn tay đánh nhẹ vào xương quai hàm anh ta. Cú đánh này nhẹ nhưng làm tê điếng người dính đòn.

Lần thứ hai, ông lại gọi một võ sinh tấn công mình. Người này sử dụng một loạt mấy cú đấm thẳng vào mặt và ngực thầy. Ông bình tĩnh một tay gạt đỡ tất cả, rồi dùng chính ngón tay cái và trỏ của bàn tay đó tung đòn hiểm móc yết hầu người tấn công. Bất ngờ ông lại dừng tay, chuyển sang đòn khóa khống chế anh ta úp mặt xuống nền tập. Trước ánh mắt ngỡ ngàng của toàn thể võ sinh, ông chỉ nói: “Nếu chỉ biết có võ, tôi sẽ đâm mù mắt hay móc yết hầu của anh ta. Nhưng võ đạo sẽ không dùng những đòn ác độc này”. Các võ sinh ngồi lặng nghe thầy nói, thấu đạt dần. Một số người muốn được giảng giải thêm. Ông chỉ trả lời: “Rồi mọi người sẽ hiểu thêm từ chính quá trình khổ luyện của bản thân mình”.

Càng về sau, các võ sinh càng mến người thầy đến từ đất nước xa xôi. Những ngày cuối tuần nghỉ tập, họ hay tìm đến nơi thầy ở trọ để xem có thể giúp đỡ gì đó cho thầy ổn định cuộc sống nơi xứ lạ. Một số võ sinh còn mời ông về nhà dùng cơm với gia đình. Những đêm đó không chỉ có sự thân mật, mà còn để hai bên tìm hiểu văn hóa, lịch sử của nhau. Có lần,  cha một võ sinh hỏi ông nền võ thuật cổ truyền của VN bắt nguồn từ đâu, ông trả lời: Từ trong chính các cuộc chiến tranh vệ quốc suốt hàng ngàn năm của dân tộc.

Trước khi võ sư Hòa về nước, một số võ sinh Nga đã mời thầy đi thăm biển Đen. Những ngày rong ruổi dưới rừng bạch dương, ngắm nhìn các đồng tuyết trắng bao la, thầy trò võ sư Hòa đã có thời gian trò chuyện với nhau rất nhiều. Ông nói cho các võ sinh hiểu chữ đạo luôn gắn liền với tên các phái võ như Việt võ đạo, karatedo, taekwondo mới chỉ chính thức xuất hiện gần đây nhưng tinh thần võ đạo VN đã có từ rất lâu. Ông không lý luận nhiều mà chỉ nói võ sĩ dám hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ người khác chính là đạo, và một võ sĩ biết dừng lại đường kiếm sát thủ để tha mạng sống cho kẻ thù cũng là đạo. Lịch sử vệ quốc của VN cũng tràn đầy tinh thần võ đạo. Mấy lần vó ngựa chiến binh Nguyên Mông như cuồng phong xâm lược nước Việt nhỏ bé, vua tôi Trần Nhân Tông không hề nao núng, dũng cảm đánh trả đến cùng. Nhưng khi đã giành chiến thắng, chính họ lại đại xá mạng sống cho kẻ thù của mình để trở về quê hương.

Thời gian sau, một võ sinh Nga tên Vadim đã gọi võ sư Hòa là cha và treo quốc kỳ VN ở xứ sở bạch dương để truyền đạt lại môn phái Thanh Long võ đạo của ông.

Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Link Sopcast Xem Bong Da Xem Bong Da Online