Luận bàn về võ đức
Võ đức là phẩm chất cao quý của người học võ, dạy võ; là hành trang không thể thiếu của người dụng võ. Cổ nhân dạy rằng: “Tập võ chi Đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn.” Võ thuật là môn học của khoa học, nghệ thuật, văn hoá truyền thống…
Võ là khoa học, nghệ thuật vì võ dạy cho con người pháp luyện thân tăng cường sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật theo khoa học giáo dục thể chất, cùng nghệ thuật thần kỳ nuôi dưỡng tinh, khí, thần và nghệ thuật tự vệ, chiến đấu. Khoa học võ thuật đích thực có các nguyên lý cấu thành và liên hệ mật thiết với những khoa học tương cận như vật lý học, sinh học, y học, quân sự…, đặc biệt là triết học Đông phương.
Võ là văn hóa truyền thống vì võ dạy cho người học biết nuôi dưỡng nhân tính, rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức làm người. Việc luyện tập võ thuật là một cuộc trường chinh để tự thắng chính mình, trên tinh thần giản dị, khiêm tốn, điềm đạm, đạt đến Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống. Võ thuật không chỉ là loại hình vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn là văn hoá thượng võ tôn sư trọng đạo. Đó là võ đức. Chỉ có những ai không đi hết trọn con đường mới phải tự quảng cáo, khoe khoang, biện bạch.
Tuy đặc thù võ thuật là chiến đấu nhưng tập võ còn là phương pháp tốt để nâng cao sức khỏe, qua đó học được nhiều đức tính quý báu như bền bỉ, chịu đựng, nhanh nhẹn, mưu trí, gan dạ và nhất là đỉnh cao người học võ khiêm tốn, điềm đạm, giản dị, giàu lòng vị tha, nhân ái. Có rất nhiều thuật làm cho thân thể khỏe mạnh, biết được một thuật đủ để khỏe mạnh và sống lâu. Võ thuật là một trong các nghệ thuật đó.
Các môn phái võ cổ truyền có mục đích, tôn chỉ, môn qui, những điều tâm niệm để giáo dục võ sinh. Không phản thầy, phế đạo. Không bất hiếu, bất trung. Không bất nhân, bất nghĩa. Võ thuật khởi đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Khi diễn quyền, bắt đầu bằng bái tổ (Tam bộ bái tổ, nhị bộ kính sư, hồi thân lập trụ…) và kết thúc cũng bằng bái tổ (Thối hồi đơn phụng quang châu; Chân theo xà tấn kiếm hầu tổ sư). Đó là thông điệp mà các bậc chân sư gửi vào bài võ để nói lên tinh thần đạo đức trong võ thuật.
Người học võ cần chọn người hiền đức làm thầy, bản thân mình thì khiêm hư hiếu học, tôn kính sư trưởng, phát huy võ đức. Lòng tâm niệm: “Một chữ truyền trao cũng là thầy mà nửa chữ truyền trao cũng là thầy”. Nếu làm được những điều cao đẹp ấy thì thật là tôn quý biết chừng nào. Nhưng thực tế cuộc sống và tôn chỉ võ đức đôi khi bị vùi dập bởi dòng sống cuộc đời như dòng sông cuồn cuộn, lôi cuốn những lý tưởng cao đẹp nhận chìm lẫn trong hôi tanh của bùn đất. Bởi vậy mới thấy những cảnh tranh giành quyền lợi, thủ đoạn luồn cúi bất minh mưu cầu một chút hư danh, ảo giác, vọng ngữ khoe khoang những điều không đúng với thực chất của mình, xa rời liêm sỉ, bỏ thực cầu hư.
Trong binh pháp cũng đề cao võ đức “Bổn đức tôn đạo – dùng đức làm nền gốc, lấy đạo làm cao quý: An mục an ư nhẫn nhục; tiên mạc tiên ư tu đức; lạc mạc lạc ư hiếu thiện; thần mạc thần ư chí thành… nghĩa là chẳng có gì yên bằng nhẫn nhục, chẳng có gì cần trước hơn là tu đức, chẳng gì vui bằng mến điều lành, chẳng có gì mầu nhiệm hơn lòng chí thành…” (Thái Công Binh pháp)
“Dùng mưu trí hàng phục thiên hạ mà thiên hạ chịu khuất phục mưu trí của mình thì mưu trí ấy cũng chưa phải là tối thắng. Dùng hình pháp để chế ngự thiên hạ mà thiên hạ chịu theo hình pháp của mình thì hình pháp ấy cũng chẳng có gì hay. Dùng mưu trí hay hình pháp đều chẳng phải là điều hay nhất trong những điều hay. Ngày xưa Thánh Võ giữ thế mà chẳng vây thành, chẳng đánh lũy, chẳng bày trận, đó là nhờ nương náu ở chỗ hư không. Un đúc trong thế không tranh mà được vậy”. (Binh Thư Yếu Lược – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)
Tài năng của tướng súy là “Đạo chi dĩ đức; tề chi dĩ lễ; tri kỳ cơ hàn; sát kỳ lao khổ; thử chi vị nhân tướng… Dùng đức để đem đường cho người, dùng lễ nghi để sắp đặt yên ổn cho người, hiểu biết việc đói rét của họ, đó là hạng tướng có lòng nhân ái…” (Binh pháp – Khổng Minh Gia Cát Lượng)
Sách Luận ngữ chép: “Làm việc chánh dùng lấy đức ví như sao Bắc Thần đứng một chỗ mà các vì sao khác đều qui chầu tất cả” và Trương Cửu Thành thì: “Người biết đạo tất không khoe, người biết nghĩa tất không tham, người biết đức tất không thích tiếng tăm lừng lẫy”.
Với võ thuật cổ truyền, giữ được lòng tự trọng dân tộc Việt Nam là giữ được tinh thần võ đức cao cả.
Leave a Reply