Tinh thần Văn võ – Võ văn
Văn không võ, văn thành nhu nhược;
Võ không văn, võ thuộc bạo tàn…
Cách nói ấy của người xưa mục đích giáo dục người học hoàn thiện mình trên tinh thần nhân văn – thượng võ.
Sự học xưa nay là tỏ rõ đức, hoàn thiện nhân cách (Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại chỉ ư chí thiện). Nhân, Nghĩa là sức mạnh. Trong lòng nhân từ có sức mạnh (Nhân tất hữu dũng). Thấy việc nghĩa không làm không phải là người có dũng lược (Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã). Không khuất phục trước quyền uy bạo lực (Uy vũ bất năng khuất). Tinh thần người học võ là thượng võ, nhân văn. Người thượng võ hòa ái, khiêm tốn, khoan dung, độ lượng, xả thân vì đại nghĩa, chính đại quang minh…
Người học văn, kẻ sĩ, tinh thần bất khuất, thà chết không chịu nhục, không làm nô lệ (Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục); Điều không ngay thẳng không làm (Tịch bất chính bất tọa). Những người học văn hành xử đúng đạo, sức mạnh có thừa. (Văn dĩ tải đạo).
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm;
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
(Nguyễn Đình Chiểu)
Biểu trưng của Liên đoàn VTCT Việt Nam đao, kiếm và quyển sách (văn, võ song toàn)
Người học võ đạt đỉnh cao, thái độ ung dung, tao nhã, tinh thần an nhiên tự tại, chí cực điềm đạm, như con tuấn mã phi hằng ngàn dặm đường không biết mỏi, như chim bằng bay từ biển Bắc sang biển Nam, không gặp hạt ngô đồng không ăn, không gặp giếng nước ngọt không uống. Những người ấy tinh thần vô úy và hành xử rất khiêm cung, văn hóa.
“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”
(Trần Bình Trọng)
Song, cuộc đời dâu bể khôn lường (Thế sự phù trầm nan tri liệu). Có những việc người đời không nhịn được, bởi vậy kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy vươn mình xốc đánh (Thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đỉnh thân nhi đấu). Đấng trượng phu thì hóa giải như dùng nước khử lửa, nước thì làm lợi cho vạn vật mà không tranh…(Thiện thượng nhược thủy; Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh…) Vì vậy, học là một việc mà làm theo được những điều hay lẽ phải đã học là một việc khác. Từ đó, trần thế có kẻ tiểu nhân, có người quân tử; có kẻ phản tặc, có người ái quốc; có kẻ vong tình bội nghĩa, có người son sắt thủy chung. Có người học văn nhưng khiếp nhược bán rẻ lương tâm; có người học võ mà làm đạo tặc, học võ đạo nhưng hành xử vô đạo. Bởi vậy, các bậc chân sư trưởng thượng mới giáo huấn môn đệ mình bằng ý tưởng: Văn không võ, văn thành nhu nhược; Võ không văn, võ thuộc bạo tàn…
Nhưng cũng chỉ là quan niệm tương đối mà thôi.
Leave a Reply