Con đường võ đạo – Phần cuối: Tuyệt đỉnh bí kíp
Miền đất võ Bình Định có một ngôi chùa cổ từ lâu đã được giới võ thuật truyền tụng như một Thiếu Lâm Tự của VN. Một buổi chiều tôi tìm đến chùa, sư trụ trì đi vắng, các chú tiểu đang ngồi thiền và ôn luyện những thế võ công trong không gian tĩnh tại, bình yên dưới cội bồ đề.
Tâm căn của võ
Theo chỉ dẫn của những người bạn võ, tôi từ thành phố Quy Nhơn ngược lên phía sân bay Phù Cát, đến chân núi Phước Thuận thì hỏi ngôi chùa Long Phước. Một ông già tóc bạc như cước đang chăn dê trên đồng, cười hỏi có phải tôi muốn đi bái sư học võ, rồi chỉ ngôi chùa cổ nằm sâu trong con đường làng giữa đồng lúa và một dòng sông nhỏ uốn quanh.
Sân chùa tĩnh mịch trong buổi hoàng hôn đang dần tắt. Bóng đức Phật Quan Âm Bồ Tát cầm bình nước cải sinh cam lồ hắt xuống như che chở cho các chú tiểu đang ngồi thiền và luyện võ. Một chú tiểu nhỏ nhắn hăng say thi triển các đòn thế hạc, hầu trong một bài quyền cổ. Tấn pháp uyển chuyển, đòn vận chuẩn xác, dũng mãnh nhưng thật lạ là không bừng lộ sát khí hoặc tinh thần tranh đua như ở một số võ đường chuyên nghiệp mà tôi đã từng chứng kiến.
Mặc dù chùa Long Phước từ lâu đã được giới võ thuật truyền tụng như một Thiếu Lâm Tự của VN và đã đào tạo thành công nhiều võ sư, võ sĩ tên tuổi. Hàng trăm năm trước, thầy Hư Minh phiêu dạt tầm đạo qua miền cát nóng, đã chọn chân núi Phước Thuận làm nơi dừng chân và trở thành sư tổ tạo lập chùa Long Phước bây giờ. Tuy đã chọn đường tu đạo nhưng sư Hư Minh vẫn phải luyện võ để vệ thân, hộ chùa. Sư sưu tầm, gìn giữ các bài võ, binh thư của các vị dũng tướng đã từng thử thách trong chinh chiến, rồi nghiên cứu tổng hợp thành môn võ riêng của chùa. Đến nay đã trải qua nhiều đời với hàng ngàn nhà sư, chú tiểu tu luyện ở đây, nhưng không phải ai cũng được chân truyền võ công.
Ngày nay, sư Hạnh Hòa trụ trì chùa và các thầy dạy võ ở đây cũng rất cẩn trọng khi thu nhận đệ tử. Sau khi nhìn qua nhân tướng, đánh giá tâm tính từng người, sư mới quyết định nhận hay không. Buổi đầu bái sư, các đệ tử mới phải tuyên thệ trước bàn thờ Phật, sư tổ Đạt Ma và các thầy trò đồng môn. Nội dung đề cao tinh thần hiếu nghĩa với cha mẹ, thuận hòa với mọi người, kính trọng sư huynh và khi bắt buộc phải hành võ thì dựa trên lòng từ bi. Trong quá trình luyện tập, các đệ tử phải chịu sự chấp phạt rất nghiêm minh. Quì trước bàn thờ Phật hết vài tuần nhang hoặc quét rác sân chùa là hình thức phạt được áp dụng cho các vi phạm nhẹ. Lỗi nặng liên quan đến đạo đức, hành xử võ thuật, các đệ tử phải mời chính cha mẹ đến để nghe thầy nhắc nhở, khuyên bảo, thậm chí có thể bị khai trừ vĩnh viễn khỏi môn phái của chùa.
Long Phước luôn là một lò võ lớn được kính trọng ở đất võ Bình Định. Những chú tiểu đang luyện võ ở sân chùa là đời thứ tư của các thế hệ võ đạo xuất phát từ chùa vẫn đang còn sống. Hiện nay, sư Hạnh Hòa ngoài tu trì đạo pháp còn là một trong những người truyền dạy võ thuật đứng đầu ở chùa cùng với các thầy Đông Hải, thầy Sáu. Dưới họ còn có thế hệ các võ sư, huấn luyện viên nổi tiếng Trần Duy Linh, Võ Văn Tính, Huỳnh Văn Trung… Người vẫn ẩn dạy ở sơn cước, người đang dẫn dắt đội tuyển tỉnh đi gặt hái huy chương, và nhiều học trò của họ cũng đã trở thành huấn luyện viên.
Ngoài dạy võ, các võ sinh theo môn phái của chùa còn được chú trọng rèn luyện lối sống thể chất và tinh thần từ tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo. Hiện ngoài sư trụ trì Hạnh Hòa giỏi bốc thuốc cứu người, còn có thầy Đông Hải cũng đã học hỏi, nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Tự thắng bản thân mình
Hôm tôi ghé chùa, một số đệ tử đến từ Thanh Hóa, Tuyên Quang, Nam Định, Thái Bình… giã từ thầy sau khóa học, trở lại quê nhà. Họ là những người đã có bản lĩnh võ thuật từ các môn phái khác, xin vào chùa lĩnh hội thêm tinh hoa của dòng võ đặc biệt. Tất cả đều là người ngoài thế tục, không chỉ luyện võ mà còn cùng ăn chay, niệm Phật với mọi người trong những ngày lưu lại chùa. Buổi chia tay, trò quì tạ ơn thầy. Các sư không có gì để tặng, chỉ nói: “Ta chỉ tặng các con võ, còn đạo nằm ở trong tâm căn các con. Ta muốn các con luôn luôn hiệp nhất võ với đạo trên đường truyền dạy lại hay hành xử môn võ này ngoài thế tục”.
Trong bóng chiều chập choạng, chú tiểu Vạn Thành kết thúc bài quyền Lão Hổ Thượng Sơn, ngồi nghỉ trên phiến đá dưới cội bồ đề kể tôi nghe chuyện quê nhà ở tận miệt Đồng Tháp Mười. Mẹ chú bị tâm thần, nghe tiếng tài bốc thuốc và dùng pháp thiền chữa bệnh của thầy Hạnh Hòa nên đã tìm ra tận đây tá túc luôn tại chùa để chữa bệnh. Chú tiểu đi theo giúp mẹ như gặp cơ duyên phát nguyện tu hành. Nhỏ tuổi lại có bản tính hiếu động, chú tiểu nằn nì xin học võ ngay. Sư Hạnh Hòa gật đầu, nhưng bắt chú phải ra ngoài học thêm văn hóa để có nghiệp duyên tu hành bền vững mới đủ kiến thức mà tìm hiểu Phật pháp, còn trở lại thế tục thì cũng có trình độ mà sống.
Chú tiểu Vạn Thành mê võ, tập luyện hăng say, nhanh chóng trở thành một trong những chú tiểu giỏi võ ở chùa. Sư thấy, cất lời khen, nhưng cũng hiểu tâm tính còn vọng danh của người đệ tử nhỏ tuổi.
Nhiều lần sau buổi thiền dưới gốc bồ đề, sư giảng: “Điều đầu tiên mà người luyện võ ở chùa này phải nhớ là võ giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn để làm việc đạo nghĩa. Nhưng nếu chỉ có vậy thì mới chỉ đạt đến hàng trung đẳng của con đường võ đạo”.
Ban đầu Vạn Thành ngơ ngác, không hiểu ý thầy muốn nói gì. Đến khi sư kể lời huấn thị võ đạo của sư tổ “một dũng tướng thắng ngàn quân địch vẫn chưa oanh liệt bằng tự thắng chính bản thân mình”, chú tiểu dần dần ngộ ra. Tâm bạo động, háo thắng của người mới vào đường luyện võ như chú bắt đầu bình lặng dần.
Gặp tôi ngay trong buổi hướng dẫn đội võ cổ truyền Bình Định chuẩn bị đi thi đấu, huấn luyện viên Trần Duy Linh, người đã trưởng thành võ đạo dưới mái cổ tự Long Phước, kể sư Hạnh Hòa từng nói với anh: “Trong ngôi chùa này có nhiều bí kíp võ công cổ xưa, nhưng có một bí kíp đặc biệt mà nếu con lĩnh hội được sẽ trở thành người bất bại”. Linh không hiểu, tưởng thầy muốn nói đến một loại võ công đặc dị nào đó. Sư nói: “Bí kíp đó là tự thắng chính mình. Một võ sĩ cao thủ có thể thắng được hàng trăm đối thủ, gặt hái được nhiều huy chương nhưng chưa chắc đã đánh bại được các thói hư tật xấu, lòng tham lam, ích kỷ, ham mê danh lợi ngay trong con người mình”. Anh ngộ ra.
Sau này, khi truyền dạy lại các võ sinh thế hệ sau, Trần Duy Linh luôn nhắc lời thầy về tinh thần tối thượng của võ đạo. Ngay cả những đợt dẫn dắt đội tuyển đi biểu diễn, thi đấu võ thuật trong nước và quốc tế, anh cũng nhắc nhở các em đừng quá chói mắt trước ánh hào quang thành tích, huy chương để quên đi đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình và tinh thần tối thượng của võ đạo là tình thương yêu để không phải sử dụng một võ công nào nữa.
Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)
Leave a Reply