Con đường võ đạo – Phần 4: Biến thù thành bạn
Hai người đàn ông, một là cao thủ giang hồ, một là võ sư, đứng lặng lẽ đối mặt gườm nhau trên con đường đêm vắng bóng người. Lát sau, người có vóc dáng thấp nhỏ lên tiếng: “Tôi sẽ không động thủ trước, nhưng nếu anh ra đòn tôi sẽ tiếp ngay. Và tôi nói trước dù thế nào anh cũng không phá được võ đường của tôi đâu”. Không gian căng cứng như sợi dây đàn sắp đứt…
Võ thuật và giang hồ
Đó là một đêm mà võ sư Lê Kim Hòa khó quên được trong đời mình. Trải luyện qua nhiều môn võ từ nhỏ và ra lập võ đường riêng từ năm 20 tuổi, ông hiểu nếu chỉ với nắm đấm và cú đá thì vài phút đã có kẻ thắng người thua nhưng ân oán chắc chắn sẽ còn dài. Với một người đã dành cả cuộc đời để tập luyện, truyền dạy võ thì không đáng gì để phải rơi vào vòng xoáy giang hồ.
Chuyện bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1980 khi võ sư Hòa mở lại lớp võ. Cùng với phong trào nhiều võ phái khác được hoạt động trở lại, võ sư Hòa đi tìm thuê sân tập để truyền dạy môn Thanh Long võ đạo của mình. Ông cùng người bạn Nguyễn Quốc Tâm là võ sư cao đẳng môn taekwondo lang thang mãi cuối cùng cũng tìm được một địa điểm thích hợp trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Buổi chiều hôm đó, hai người bạn võ đã phấn khởi, cặm cụi chở nhau trên chiếc xe đạp, đi thuê người vẽ bảng chiêu sinh.
Bảng võ vừa treo lên chưa ráo mực, nhiều người nghe tên tuổi đã đến xin đăng ký học, trong đó có cả những học sinh nhỏ tuổi. Chính điều này đã làm cho một cao thủ ở quận Bình Thạnh đâm ghét ông. Người này có biệt danh là Sáu Dao, trước năm 1975 từng tung hoành trên nhiều võ đài đánh độ. Võ sĩ này không luyện sâu một môn phái chính thống nào và thường hạ gục đối thủ nhờ những đòn thế cùi chỏ, đầu gối khét tiếng hiểm hóc. Thời kỳ này, Sáu Dao nổi lên như đại ca trong giới giang hồ. Tuy nhiên, khi phong trào võ thuật phát triển trở lại đầu những năm 1980, Sáu Dao không thể mở được lớp võ chính thức vì không có môn phái rõ ràng cũng như dính dáng đến chuyện bảo kê quán xá phức tạp.
Thấy lớp dạy võ của thầy Hòa thành công ngay “lãnh địa” của mình, Sáu Dao bắt đầu giở ngón quậy phá. Ban đầu, gã tung tin võ sư Hòa chỉ giỏi võ miệng, không có bản lĩnh giang hồ, có dạy võ sinh mười năm cũng chỉ giỏi… múa là cùng. Võ sư Hòa biết chuyện chỉ im lặng. Chẳng làm gì được, Sáu Dao càng điên tiết, tối tối gã canh chặn đường võ sinh nhỏ tuổi đi tập về để đạp ngã xe, giật đồ, thậm chí đánh đập các em và bắn tin “thách đấu với thầy của bọn mày”…
Cuộc rượu trước cuộc đấu
Biết chuyện quậy phá đã đến mức nguy hiểm cho võ sinh mình, võ sư Hòa nhận lời đối mặt với Sáu Dao để hẹn ngày thách đấu. Một số võ sinh thấy thầy một mình tay không, đi đối mặt với dao búa giang hồ, năn nỉ xin đi theo phụ thầy. Võ sư Hòa chỉ cười: “Đời người còn có nhiều trận đấu lớn hơn nữa. Nếu ta thua trận này thì làm sao còn xứng mặt dạy các con”.
Chín giờ tối, một người là võ sư, một người là cao thủ giang hồ đứng đối mặt nhau trên con đường vắng bóng người ở Thủ Đức. Gần năm phút trôi qua, cả hai chỉ đấu mắt nhau, không ai nói với ai một tiếng nào. Cuối cùng, người võ sư có vóc dáng nhỏ bé hơn lên tiếng: “Cuộc thách đấu này sẽ là trận đánh sinh tử cuối cùng của một trong hai người. Tôi muốn dời lại ba ngày nữa để anh suy nghĩ”. Nói xong ông nhún vai, lặng lẽ bỏ đi. Ba ngày sau, chính Sáu Dao lại đề nghị hoãn trận đấu.
Võ sư Hòa hiểu kẻ thách đấu đang phân vân. Hai lần đối mặt với Sáu Dao, võ sư Hòa hiểu con người này có tính cách đố kỵ, thích tranh hơn thua, còn bản chất chưa đến mức côn đồ để hễ đụng chuyện là say máu vung tay dao. Và ông quyết định cho một trận đấu của tâm pháp.
Ngay đêm hôm sau, ông nhấc điện thoại gọi cho Sáu Dao: “Tôi muốn đêm nay chúng ta sẽ quyết định luôn, nhưng hãy uống với nhau một cuộc rượu trước khi không còn nhìn mặt nhau được nữa”. Sáu Dao ngạc nhiên nhưng không từ chối.
Hai người đối mặt nhau giữa chiếc bàn chỉ có chai rượu trắng và hai cái ly. Võ sư Hòa rót ly rượu đầu tiên giơ cao trên đầu, rồi tưới xuống đất để cúng tổ võ là Đạt Ma sư tổ, xong mời Sáu Dao ba ly xoay vòng liên tiếp. Từ ngạc nhiên đến nể rồi phục dần khí khái của người võ sư, Sáu Dao nâng ly uống cạn. Hai người cứ thế ngồi uống rượu với nhau. Võ sư Hòa chủ động trò chuyện với Sáu Dao như bạn bè. Ông hết kể chuyện gia đình, đời sống lại quay sang bàn luận võ nghệ với giọng khiêm nhường nhưng cương quyết.
Bất ngờ, ông đề nghị Sáu Dao hãy đấu thử trên bàn rượu trước khi bước ra sân đấu thật, và đề nghị gã giang hồ tung đòn trước. Sáu Dao đang ngà say, hưng phấn nên liền tung ra một loạt mười đòn hiểm bằng cùi chỏ, ống quyển và đầu gối. Võ sư Hòa hóa giải từng đòn một cách nhẹ nhàng.
Sáu Dao bàng hoàng bừng tỉnh giữa cơn say. Từ tận đáy lòng một cao thủ suốt đời cầu danh từng tung hoành võ đài và ngang dọc giới giang hồ, gã ngộ ra mình chưa đấu đã bại trước võ sư Hòa. Sáu Dao nâng ly rượu uống tạ lỗi, xin được kết giao huynh đệ với người mà gã đã ba lần hẹn thách đấu. Võ sư Hòa mỉm cười: “Thôi, biến thù thành bạn nhé! Anh em mình cùng cạn ly”.
Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)
Leave a Reply